Giới quan sát cho rằng vấn đề biển Đông sẽ được nêu ra dưới hình thức này hay hình thức khác, chứ không bị "ém nhẹm" như thời Campuchia làm Chủ tịch.
Biển Đông tiếp tục là hồ sơ nóng trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong năm 2013. Năm 2013 tại khu vực bắt đầu với hai sự kiện, một là Brunei thay Campuchia làm Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ông Lê Lương Minh - một nhà ngoại giao Việt Nam - lên nắm chức Tổng thư ký ASEAN thay cựu Ngoại trưởng Thái Lan Surin Pitsuwan.
Thông thường, việc nước nào lên làm Chủ tịch luân phiên ASEAN không thu hút nhiều sự chú ý. Tuy nhiên, sau một năm Campuchia làm Chủ tịch ASEAN, việc Brunei lên nắm quyền Chủ tịch ASEAN đã rất được chú ý. Brunei cùng với Việt Nam, Philippines và Malaysia nằm trong số các thành viên ASEAN đang có tranh chấp chủ quyền trực tiếp ngoài biển Đông. Đặc điểm này có thể khiến cho Brunei có quan điểm mạnh mẽ hơn trong việc chống lại các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ khu vực biển Đông, một nơi được cho là giàu trữ lượng dầu khí và nguồn cá.
Vai trò của Chủ tịch ASEAN rất quan trọng trong việc thiết lập chương trình nghị sự và đưa ra các bản Tuyên bố của Chủ tịch tại các Hội nghị Ngoại trưởng hay Hội nghị Cấp cao ASEAN. Giới quan sát cho rằng vấn đề biển Đông sẽ được nêu ra dưới hình thức này hay hình thức khác, chứ không bị "ém nhẹm" như thời Campuchia làm Chủ tịch. Vấn đề biển Đông chắc chắn cũng sẽ được ASEAN chú ý do ông Lê Lương Minh - một nhà ngoại giao Việt Nam - lên làm Tổng thư ký hiệp hội trong một nhiệm kỳ 5 năm bắt đầu từ ngày 1-1-2013. Ông Lê Lương Minh đã được phía Việt Nam đề cử và được Hội nghị Cấp cao ASEAN chấp thuận. Ngoài Việt Nam, Philippines có lẽ là nước rất hoan nghênh sự kiện ông Lê Lương Minh làm Tổng thư ký ASEAN. Giáo sư Pavin Chachavalpongpun, một chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề Ðông Nam Á tại trường ĐH Kyoto (Nhật Bản) cho rằng Tổng thư ký người Việt Nam sẽ tích cực hơn trong việc thúc đẩy một sự đồng thuận của ASEAN về vấn đề này. Ông Pavin Chachavalpongpun nhận định: Việt Nam có thể nói rằng họ ủng hộ đường lối của ASEAN trong việc cố gắng giải quyết một vấn đề như vậy. Theo tôi, đây có thể là một việc có lợi cho tất cả các bên”.
Ông Carl Thayer - Giáo sư Chính trị thuộc Học viện Quốc phòng Australia - nhận định rằng hầu như chắn chắn thời kỳ ngoại giao trầm lặng giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ xảy ra và đó là điều cần nhất. Ông Thayer nhấn mạnh: “Ðây không phải là lúc dốc toàn lực trước bởi các thái độ của Trung Quốc và thời kỳ chuyển tiếp lãnh đạo. Ông Tập Cận Bình làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng chưa lên giữ chức Chủ tịch nước. Do vậy, từ bây giờ cho đến lúc đó không nên thách thức Trung Quốc mà nên chờ đợi qua thời kỳ này rồi xem liệu ASEAN có đối phó được với một nhà lãnh đạo và một tập thể lãnh đạo mới ở Bắc Kinh hay không. Do đó, vấn đề biển Đông không nổi bật, nhưng cũng không bị “xếp xó”.
Trong khi đó, Giáo sư Pavin Chachavalpongpun cho rằng, Bắc Kinh cũng sẽ có lợi nếu giảm căng thẳng. Ông nhận xét: “Trung Quốc cũng cần ASEAN để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mình. Làm thế nào Trung Quốc có thể cải thiện nền kinh tế hay củng cố tăng trưởng kinh tế của mình trong một bầu không khí thù nghịch với chính Trung Quốc. Tôi nghĩ, Trung Quốc sẽ cần phải tìm cách xây dựng hay khuyến khích một bầu không khí hòa hoãn hơn vì lợi ích của chính nước này”.
Minh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét